“Trong hội họa, không có khái niệm màu xấu hay màu đẹp, chất xấu hay chất đẹp, mà quan trọng là với chất, màu và kỹ thuật đó, cái nào phù hợp và có thể lột tả dụng ý của mình lên tranh, đó mới là hay và đúng nhất.” – Góc nhìn này đã khiến họa sĩ Tôn Thất Minh Nhật tạo nên những tác phẩm sơn mài độc đáo-biến đổi, nếu giai đoạn trước, anh kết hợp giữa hội họa điêu khắc, thì giai đoạn này anh hứng thú thử nghiệm với bề mặt sơn mài phẳng, bóng, sâu theo cách làm của sơn mài truyền thống.
Chào họa sĩ Tôn Thất Minh Nhật! Cơ duyên nào mang anh đến với hội họa, và phải chăng ngay từ đầu anh đã chọn sơn ta? Chất liệu này hẳn đồng điệu với cá tính nội tại của anh?
Có lẽ, nhân duyên đến với hội họa xuất phát một phần từ gen của bố tôi, người từng học hội họa trước thời kỳ giải phóng. Ngay từ nhỏ, bản thân đã thích vẽ và cố làm sao để vẽ ra được những nhân vật mà mình thích thú. Theo năm tháng, duyên số đưa đẩy tôi vào trường Mỹ thuật.
Những năm đầu ở trường, trong quá trình học cơ bản, tôi đã được sử dụng nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, bột màu, màu nước,… Vì thế, khi phân khoa, tôi đã chọn theo đuổi chất liệu sơn mài do mình chưa từng có cơ hội hiểu biết.
Trong quá trình làm việc với sơn mài, tôi mới bắt đầu nhận ra chất liệu này trái ngược với tính cách bên trong mình. Tôi thường vẽ nhanh với kiểu đi cọ tương đối phóng khoáng và vùng vẫy, tức nghĩ xong thì vẽ, và vẽ một mạch, chồng lấp tức thì, để ra được ý mình đang nghĩ. Tuy nhiên, sơn mài lại là chất liệu cần thời gian, độ chính xác, sự cẩn trọng khi kết hợp từng lớp màu, trứng, vàng bạc hay vật liệu khác nhau, để khi kiên trì mài mới đạt được bề mặt như mình mong muốn.